CÔNG TY THAN HẠ LONG - TKV

https://halongcoal.com.vn


Tản mạn chuyện công nhân ở trọ

Qua tài liệu điều tra nhà ở và mua bán nhà chung cư năm 2011 của đơn vị và qua trao đổi với anh Nguyễn Văn Nếp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV than Hòn Gai - Vinacomin, được biết Than Hòn Gai hiện có 1627 hộ độc thân và 3660 hộ gia đình. Số hộ độc thân và số hộ gia đình đang thuê trọ là 1254 hộ. Công ty có chủ trương, đến năm 2015 sẽ giải quyết cơ bản về nhà ở tập thể, nhà chung cư cho CBCN. Năm 2011, Công ty đã xây dựng được 1 chung cư 5 tầng, bán cho 16 hộ dân.
Tản mạn chuyện công nhân ở trọ
Từ năm 2012 đến 2015, Công ty sẽ tiến hành xây dựng tiếp hai khu chung cư cao tầng tại khu đô thị Cao Xanh (TP Hạ Long), theo hướng hiện đại, diện tích căn hộ từ 75 đến 100m2, dành bán cho các hộ gia đình có nhu cầu, vốn xây dựng chủ yếu do các gia đình đóng theo hình thức trả dần; đồng thời, xây dựng hai khu tập thể, ở Hà Khánh (TP Hạ Long), theo vốn dự án nhà ở tập thể công nhân của Vinacomin, dành cho hộ độc thân.

Tôi đã theo anh Phạm Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp than Cao Thắng - một trong 6 xí nghiệp thuộc Công ty than Hòn Gai, sản xuất than bằng phương pháp hầm lò, đến thăm nơi ăn ở của các hộ độc thân (chủ yếu là thợ lò) của Xí nghiệp. Trên đường đi, anh Bình cho biết, trong một đợt khảo sát của Xí nghiệp năm 2011, Cao Thắng hiện có 1467 CBCNVCLĐ, số người đang thuê trọ là 478 người, chiếm khoảng 32%. Trong đó 233 người đã có vợ và 245 người chưa vợ. Số công nhân thuê nhà trọ đạt yêu cầu tối thiểu (diện tích 5m2/ người, không dột nát, nhà có trần, có công trình vệ sinh riêng, có chỗ phơi quần áo) là 397 người (91%), số còn lại, 37 người (9%), không đạt yêu cầu. "Họ ở khắp nơi, xa nhất, tận bên phường Bãi Cháy, Hà Khẩu (so với trụ sở của Xí nghiệp ở phường Cao Thắng), ở đông là các phường Cao Thắng, Hà Lầm, Cao Xanh, Hà Khánh... Công trường của Xí nghiệp thuộc phường Hà Khánh" - anh Bình nói. "Họ ở như thế, có chỗ nào đông không?". "Thường là không đông, ở lẫn trong dân, bởi bản thân các khu nhà trọ đã là đất tận dụng người ta xây dựng, hầu hết là nhà cấp 4, xây thấp, mái lợp bằng phibrô xi măng hoặc tôn; vì xây đất tận dụng nên giao thông đi lại khó khăn và thường không có khoảng không gian trước nhà. Nếu mất điện trong mùa hè nắng nóng thì chắc chắn không ngủ được. Phổ biến có khoảng 5-6 phòng, phòng ở cao nhất là 2 người. Lại như, chỗ trọ, không chỉ có công nhân của Xí nghiệp thuê, mà còn có công nhân của các mỏ khác, người làm các nghề khác, như người đi bán dạo, người chạy xe ôm v.v. ở cùng. Nên, lần điều tra về các hộ đang thuê nhà, chúng tôi phải rà soát mất cả tháng trời". "Thế họ đi làm bằng cách nào?". "Đi làm, chúng tôi có các bến đón xe quy định, qua các phường họ ở". "Sang cả bên Bãi Cháy, Hà Khẩu à?". "Không. Riêng hai phường ở xa ấy, các công nhân đi xe máy sang trụ sở Xí nghiệp, gửi xe lại đó rồi theo xe Xí nghiệp đi làm". "Qua khảo sát, anh thấy xu hướng thuê trọ của công nhân là như thế nào?". "Thường họ thuê ở các khu đông dân cư, gần chợ hoặc tụ điểm sinh hoạt văn hóa nào đó. Họ cố gắng tìm chỗ trọ mà nơi đó đông những người đồng cảnh ngộ như mình đang thuê, được toàn thể là công nhân thì tốt. Thường thì họ mách nhau tìm thuê chỗ này hoặc chỗ kia thì tốt hơn hay tiện hơn. Vì thế việc ở một chỗ trọ lâu dài không nhiều, họ hay thay đổi chỗ ở". "Vì thế mới có những nơi trọ không đạt yêu cầu?". "Có thể là như thế. Chủ trọ xây chỗ thuê trọ đã từ lâu, đã xuống cấp, nhưng không sửa sang lại. Người thuê trọ thì quan niệm ở tạm, không phải nhà mình nên có thế nào ở thế, thành ra nhếch nhác". "37 người thống kê, khảo sát nói trên là ví dụ?". "Đúng vậy. Có những phòng trọ người ta đã làm từ lâu, trần lợp bằng cót ép hay rơm trộn đã rách nát, bung bét cả. Đường điện đấu nối vào nhà thì lùng nhùng dây dợ. Lại còn có nơi vệ sinh là khu chung, khá bất tiện". "Gặp những trường hợp ấy, công đoàn các anh có giúp gì được họ không?". "37 người ấy, Xí nghiệp hỗ trợ cho 8 trường hợp khó khăn, mỗi người 1,5 triệu đồng để họ đi tìm thuê chỗ trọ mới. Số còn lại, Công đoàn xí nghiệp chúng tôi cùng với các quản đốc phân xưởng của họ trao đổi trực tiếp với từng người nhằm nâng cao ý thức về chỗ ở, không quan niệm quá tạm bợ, phải đòi hỏi chủ trọ cải tạo nơi ở và giao cho công đoàn bộ phận kiểm tra, trong thời gian 1 tháng phải yêu cầu chủ nhà cải tạo lại nhà cho thuê đảm bảo yêu cầu, nếu không giúp họ đi thuê chỗ khác".

Chúng tôi đến các khu trọ nằm phía sau chợ trung tâm Hà Lầm. Đường đi vào khá ngoắt ngoéo, lên dốc, xuống dốc, nhưng có thể đi được bằng xe máy. Thấy khu trọ có hai gian, cửa đi vào đang khóa trái. Hai gian thuê cũng khóa. Anh Bình bảo, 2 gian này có 4 thợ của Cao Thắng thuê. "Chắc họ đang đi ca 2. Đấy, anh xem, nhà trọ, đất tận dụng. Chỉ mỗi có cửa để vào, hai gian nhà mặt quay áp vào tường nhà của chủ trọ, chỉ cách chừng hơn mét. Nhà chủ trọ đây, nằm ngay phía trước". Đi tiếp, ngoắt ngoéo một hồi nữa, thì thấy một khu nhà. Nơi đây có 6 gian, mỗi bên 3 gian, xây quay mặt vào nhau, giữa là một lối đi rộng chừng 1,5m, lợp tôn, mái hai bên chìa ra chiếm, khiến khoảng không chỉ còn chưa đầy mét. Hầu hết các phòng đều khóa cửa. Họ đang đi làm vắng nhà. Thấy một phòng có người ở nhà, chúng tôi gõ cửa vào làm quen. Đó là phòng trọ của anh Nguyễn Quốc Việt, sinh năm 1988, thợ lò của mỏ Hà Lầm. Anh bảo mới chuyển đến đây thuê. "Thế trước thuê ở đâu?". "Cũng gần đây, bên chỗ cầu Nước Mặn". "Sao không thuê ở đấy nữa?". "Bên ấy có 12 gian trọ. Nhiều thành phần thuê. An ninh không tốt. Hay bị mất cắp vặt. Lại còn đi vệ sinh chung, nên rất bất tiện. Có một anh cùng làm đã thuê ở đây, bảo còn chỗ thuê, cháu sang thuê. Ở đây nhà mới làm, vệ sinh khép kín". "Thuê ở đây tiền một tháng là bao nhiêu?". "700 ngàn, không kể tiền điện, nước. Điện, có công tơ riêng, 3 ngàn một số. Nước, 1 tháng 20 ngàn. Tiền vệ sinh 10 ngàn". Việt người xã Hiệp Hòa, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh). "Cứ ngày nghỉ là cháu lại về nhà với bố mẹ, đi bằng xe máy. Hôm nay là thứ 6, ngày mai thứ 7, tuần này cháu đang đi ca 1, sáng thứ 7 mai, làm hết ca là cháu về. Sáng thứ 2 ra để tối đi ca 3". "Cứ hay về với bố mẹ, chắc để dư được nhiều tiền tiết kiệm?". Việt cười: "Lương cháu bình quân được 7,5-8 triệu một tháng, thuê nhà, tiền xăng xe đi lại, tiền ăn những bữa ở nhà v.v. mỗi tháng còn tiết kiệm được 3,5-4 triệu". "Ừ, chịu khó tiết kiệm để còn lấy vợ, rồi mua nhà riêng. Có người yêu chưa? Có hút thuốc, uống rượu không?". "Cháu đang yêu một cô, ở Đông Triều, từ ngày học nghề ở đấy. 3-4 năm rồi. Cũng có thể lấy, nếu xin được cô ấy ra ngoài này làm việc. Cô ấy đã học nghề KCS. Còn rượu, thuốc, cháu không nghiện. Cháu thuê riêng 1 gian cũng vì không thích ở chung chạ với người khác, nhất là những người có mùi thuốc, mùi rượu". Tạm biệt Việt, chúng tôi quay lại gian nhà đầu. Lúc vào thấy một cô gái ngồi ở cửa. Anh Bình bảo, đó là vợ một cậu thợ lò đang làm ở Cao Thắng. Cô gái ấy tên là Trần Thị Ngự, 21 tuổi, người Tuyên Quang. Cô bảo, anh chồng mới đi ca về, đang chạy đi đâu đó. Cô gọi điện, một lúc sau, thấy anh chồng về, không chỉ một, mà thêm hai người con trai nữa cùng về theo. Anh ta vác một cái quạt điện cây, chắc mới mua, vì lồng quạt còn bọc túi ni lông bảo vệ. "Cháu đi mua thêm quạt. Sắp mùa hè rồi. Nhà thuê rộng chỉ chừng 10m2 thế này lại phải dành chỗ cho nhà vệ sinh, chỗ để đặt bếp ga nấu nướng, thành chật, đặt vừa cái giường đôi, mùa hè nóng, không có quạt, chắc chắn không chịu được". Đó là chủ nhà, anh Khổng Văn Tùng, nói. Anh bảo, anh người Cao Lan, Tuyên Quang, năm sinh chính từ 1987, nhưng làm giấy khai sinh muộn, lại ghi năm 1989. Học nghề theo tiêu chuẩn của Xí nghiệp than Cao Thắng, mới ra trường đi làm từ tháng 11/2011, ở Phân xưởng khai thác 1, thợ lò. "Vợ cháu, mới lấy, hồi tháng 1, mới đưa vợ xuống đây ít ngày". "Vợ, học nghề gì? Có công ăn việc làm chưa?". Ngự: "Cháu chưa học nghề gì, chưa làm gì. Xuống đây với chồng, chắc ở lại, sẽ tìm một việc gì đó làm". Anh Bình thấy thế bảo, bên trường Đoàn Thị Điểm ở Cao Xanh, đang có nhu cầu tuyển người vào làm tạp vụ, lương khoảng 2 triệu một tháng. Nếu có nhu cầu anh sẽ giới thiệu giúp. "Còn nếu không, ghi lại số máy của anh, nếu hai vợ chồng có nhu cầu gì cần giúp, giúp được anh sẽ giúp, đừng ngại". Hai người đi cùng Tùng về cũng là thợ lò của Cao Thắng, một là Phạm Văn Hưng, người Nam Định, một là Lương Văn Tá, đồng hương với Tùng, Tùng và Tá là người Cao Lan. "Tuyên Quang, có một anh tên Trung, làm cơ điện lò ở Cao Thắng, anh ấy đã làm đã lâu, anh ấy có thống kê người Tuyên Quang làm mỏ ở Quảng Ninh hiện nay có tới gần cả trăm người rồi đấy" - Tá bảo vậy. "À, kha khá người vùng Việt Bắc về Quảng Ninh làm mỏ, lại là người dân tộc. Họ đi theo lối nào?". "Bọn cháu do ông Tám giới thiệu". Anh Bình: "Ông Phạm Văn Tám, người Hải Phòng, nhưng đi kinh tế mới lên Tuyên Quang đã lâu. Chắc hồi ông làm trưởng phòng tổ chức Cao Thắng, ông ấy giới thiệu. Giờ ông chuyển sang Than Quang Hanh rồi". Anh Bình nói tiếp: "Cao Thắng vừa đưa 150 học sinh đang học ở trường đào tạo nghề Thái Nguyên về tham quan mỏ. Họ đều là người ở vùng trên ấy, chủ yếu là người dân tộc. Số học sinh này do Cao Thắng tuyển. Họ sắp ra trường, là về luôn Cao Thắng. Chúng tôi còn một lớp mới tuyển, 150 người nữa, cùng ở trên vùng ấy, trường ấy". Hỏi bọn Tùng, Tá, Hưng xem làm thợ lò thấy thế nào? "Chúng cháu cảm thấy bình thường, làm được". Lại hỏi quay lại chủ đề ở trọ. Hưng, Tá thuê trọ ở chỗ khác, cũng ở Hà Lầm, không xa đây mấy. "Giá thuê trọ cũng ngang nhau". Chỉ có Tá bảo không thấy ông chủ trọ lấy tiền nước. "Thế ông ấy bảo sao? Hay ông quên?". "Không, ông không quên, ông ấy bảo ông ấy thấy thích cháu, nên ông ấy không lấy tiền nước". "An ninh những nơi đó có tốt không?". Hưng: "Cũng vừa phải". Tá: "Chỗ cháu nghiêm lắm. Ông chủ trọ còn là tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố nữa cơ".

Vợ Tùng đi nấu ăn tối, mời chúng tôi ở lại ăn cơm. "Có rượu không?". "Chúng cháu không uống rượu, không hút thuốc". "Thế thì không ở". "Nếu các bác ở lại, vẫn có rượu cho các bác cơ mà. Chúng cháu không uống, nhưng vui với các bác chúng cháu cũng có thể chứ".

Lúc về, anh Bình bảo, cuộc khảo sát thợ lò thuê trọ vừa rồi của các anh, bên cạnh mục đích thống kê chính xác số người đang có nhu cầu về nhà ở, còn là để biết, theo chương trình "ba biết" của người cán bộ công đoàn (biết nhà, biết hoàn cảnh gia đình, biết tâm tư nguyện vọng); đồng thời tạo nên phong trào trong toàn thể CNCB đang thuê nhà quan tâm đến nơi ở trọ, giúp họ loại bỏ quan niệm nhà trọ không phải là nhà mình nên tạm bợ thế nào cũng được, theo kiểu cứ có cán bộ đến kiểm tra mới vội dọn dẹp nhà cửa. Đó còn là tạo thêm sự gần gũi, gắn bó giữa người quản lý trực tiếp với công nhân lao động, đặc biệt là thợ lò...

Còn trong cuộc trao đổi với anh Nếp, anh bảo, trong chương trình công tác cán bộ đoàn các cấp trong Than Hòn Gai, tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và hoàn cảnh của đoàn viên, lập sổ theo dõi đoàn viên theo mẫu thống nhất, kịp thời thăm hỏi đoàn viên khi ốm đau hoặc có khó khăn đột xuất là 1 trong 9 giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cấp bộ phận và tổ công đoàn năm 2012, của chúng tôi. Công đoàn Cao Thắng đang làm tốt nội dung này. "Vâng. Vậy xin hỏi anh thêm, về thợ lò ở trọ. Chúng tôi hỏi các thợ lò đã gặp, nếu công ty, xí nghiệp có nhà tập thể, các anh có chuyển đến ở không. Họ đều nói rất sẵn sàng, bởi ở trọ không thể không phức tạp. Thế nên, việc giải quyết nhà ở như kế hoạch của Than Hòn Gai có hoàn thành được không, có còn gì vướng không?". "Vừa rồi lãnh đạo công ty chúng tôi họp, có đề cập đến vấn đề này. Tinh thần chung là sẽ cố gắng thực hiện được kế hoạch đề ra. Cái vướng lớn nhất có lẽ là vốn cho xây dựng các chung cư gia đình. Vấn đề này lớn, tầm quốc gia, giá có chính sách như thế nào đó cho người thợ vay vốn làm nhà, rồi họ trả dần trong nhiều năm; chứ còn như hiện nay huy động tiền tự có của họ, là những người thợ mỏ, hầu hết họ đều đang khó khăn. Công nhân được ở nhà tập thể hay ở các căn hộ chung cư tập trung, chúng tôi mới có thêm nhiều điều kiện quản lý, giúp đỡ họ, chứ còn đang thuê trọ, ở lẫn trong dân như thế này thì, quả thật, gặp rất nhiều khó khăn"...

Tác giả: Trần Giang Nam

Nguồn tin: VINACOMIN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây