Thứ tư, 15/01/2025, 04:04
Thời tiết Cẩm Phả, Quảng Ninh: 18.5°c mây đen u ám

Cảm xúc của người lao động Công ty Than Hạ Long khi thăm Di tích lịch sử Điện Biên Phủ

Tôi vinh dự được là một trong các thành viên Đoàn cán bộ công nhân viên xuất sắc tham gia chương trình du lịch do Công ty Than Hạ Long tổ chức. Trong chương trình, Đoàn đã qua những chặng đường dài, qua đường số 6 đến tỉnh Hòa Bình, qua Thành phố Sơn La để lên Điện Biên Phủ.

Chúng tôi được đến thăm nhà tù Sơn La, thăm cây đào Tô Hiệu nơi một thời đã ghi những những dấu ấn hy sinh oanh liệt và tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của các anh hùng, liệt sỹ, chiến sỹ cách mạng góp phần to lớn giành độc lập, tự do cho Tổ Quốc ta.
 

Lên Điện Biên Phủ mới thấy tận mắt, tuy cách đây gần 70 năm, nhưng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vẫn còn lại dấu tích là một cứ điểm kiên cố, quan trọng bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Việc bố trí các công sự, hầm ngầm kiên cố, tập trung hỗ trợ cho nhau khi tổ chức tấn công cũng như khi phòng thủ cùng với các loại phương tiện, vũ khí, khí tài hiện đại nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ lúc đó.
Qua tài liệu cho thấy thực dân Pháp đã bố trí tại đây trên 16.000 quân dưới sự chỉ huy của tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Bao gồm những lực lượng: lính dù, thông tin, công binh, pháo binh, tăng thiết giáp, không quân... Đặc biệt ở đây được trang bị các loại pháo cỡ lớn, tiếp vận bằng cầu hàng không. Thực  dân Pháp và can thiệp Mỹ đã từng huyênh hoang tuyên bố Điện Biên Phủ sẽ  là “Cối xay thịt” nghiền nát quân chủ lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng thời tổ  chức các đợt hành quân chiếm lại các vùng tự do dưới quyền kiểm soát của ta ở các chiến trường.
Chúng tôi đã qua Mường Phăng nơi đặt Đại bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, thấy được sự quyết tâm của Trung ương Đảng, của Bác Hồ và toàn thể quân dân ta quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phá tan kế hoạch Navarre , buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán tại Giơ-ne-vơ, chấp nhận thất bại tại Đông Dương.
Vẫn còn đó những con đường mà bộ đội ta kéo pháo vào rồi kéo pháo ra để thực hiện phương châm “ Đánh chắc , tiến chắc” của Bộ chỉ huy chiến dịch. Những con  đường mà dân công ta tải lương bằng xe đạp thồ, bằng gồng gánh qua đèo Pha Đin, dốc Lũng Lô ngày nào .... Vào nhà bảo tàng Điện Biên Phủ thấy các kỷ vật, các dấu tích của cuộc chiến qua tranh ảnh, tài liệu, sa bàn …Thấy được sự quyết tâm của các tướng lĩnh, bộ đội, dân công qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm , mưa dầm , cơm vắt , máu trộn bùn non … để giành chiến thắng quyết định tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Chúng tôi lặng người đi vì xúc động khi đi thăm nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ. Chỉ có 4 ngôi mộ có tên của các liệt sỹ: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can, còn lại là các ngôi mộ liệt sỹ vô danh. Trong khói hương trầm nghi ngút chúng tôi đã nghiêng mình, kính cẩn yên lặng để tưởng nhớ tới các anh, những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, hy sinh thân mình vì nền độc lập tự do của Tổ Quốc.
 

Chúng tôi rất vinh dự, cảm phục và tự hào vì những chiến công to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tại chiến trường Điện Biên Phủ. Tinh thần ấy tiếp tục phát huy qua cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại, đặc biệt là trận đối đầu lịch sử trong trận “Điện Biên Phủ trên không” qua 12 ngày đêm trên vùng trời Hà Nội. Chúng ta đã tiêu diệt rất nhiều Pháo đài bay B52 và máy bay các loại, bắt sống nhiều phi công Mỹ; là một trong yếu tố quyết định buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Pa ri (Pháp) về việc kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Ngày nay tinh thần “Điện Biên Phủ” vẫn được phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, phấn đấu đưa nước ta ngày càng vững mạnh, phát triển, dân chủ và văn minh.

Tác giả: Trịnh Tuấn Anh, Bá Duy


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây