Trong dây chuyền sản xuất, Phân xưởng Cơ điện có vai trò gia công sửa chữa các thiết bị cơ điện, cơ khí; phục vụ vận hành trạm điện, trạm bơm, trạm khí nén. Ngoài ra, phân xưởng còn bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị an toàn, bảo hộ lao động, như: Cấp phát đèn lò, bình tự cứu... Hiện, phân xưởng có 157 cán bộ, công nhân, hằng năm đều phát động triển khai đăng ký sáng kiến đến 100% cán bộ, công nhân. Quá trình triển khai nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, an toàn lao động được áp dụng mang lại hiệu quả cho Công ty.
Đơn cử, đầu năm 2020, nhóm tác giả: Nguyễn Bá Trường (Quản đốc), Cù Xuân Nghĩa và Đỗ Mạnh Hà (công nhân) đã nghiên cứu, chế tạo thành công móc treo thông minh phục vụ đưa cột thủy lực lên trên máy tháo cột, tại trạm kiểm định vì chống thủy lực MB+17 khu Tân Lập. Thực tế trong quá trình đưa cột thủy lực lên máy tháo cột, dây chuyền sản xuất bộc lộ nhiều nhược điểm. Đối với cột chống thủy lực ZH, GCL... khối lượng nặng trung bình khoảng 100kg/cột, cấu tạo cột không có quai ôm cầm và đỡ cột khi vận chuyển lên máy tháo gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, quá trình đưa cột chống lên máy tháo cột thủy lực cần ít nhất 2 nhân công vận chuyển. Nếu sử dụng các dây cáp, xích sẽ mất thời gian để luồn và cố định chắc chắn và thời gian để thực hiện tháo cột dài, năng suất lao động giảm.
Bởi vậy, khi áp ụng mô hình đưa móc treo thông minh phục vụ vận chuyển cột thủy lực lên trên máy tháo cột vào áp dụng sản xuất đã tiết kiệm, tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có trong phân xưởng để chế tạo sản phẩm mới. Thay vì sử dụng 2 nhân công như trước, thì nay chỉ cần 1 nhân công tại vị trí sử dụng móc treo thông minh. Đặc biệt từ khi áp dụng sáng kiến này (tháng 1/2020) giúp phân xưởng giải phóng sức lao động nặng (công nhân không phải bê vác cột chống), cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao năng suất lao động công nhân; đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất.
Tại trạm nén khí trung tâm mặt bằng +17 khu Tân Lập hiện đang lắp đặt 4 máy nén khí LS-160. Trạm nén khí trung tâm có chức năng lọc không khí đưa vào trong lò phục vụ sản xuất. Các máy nén khí LS-160 sử dụng trực tiếp nguồn không khí trong môi trường tự nhiên để tạo ra khí nén thông qua lõi lọc không khí.
Tuy nhiên, điều kiện môi trường làm việc tại vị trí lắp đặt máy ở MB+17 khu Tân Lập chưa đảm bảo, chứa nhiều bụi lơ lửng. Do vậy, sau khoảng 8 đến 12 giờ vận hành máy, trên bề mặt lõi lọc không khí hình thành lớp bụi than dày, gây cản trở lượng khí vào bộ phận nén khí trục vít, làm giảm năng suất khí nén, dẫn đến quá tải động cơ điện. Tác hại của bụi bẩn trong môi trường sẽ làm giảm tuổi thọ lõi lọc không khí, bởi khi lõi lọc bị tắc phải tiến hành thay thế với chi phí lớn (khoảng 11 triệu đồng/lõi lọc).
Trường hợp nếu không thay thế kịp thời, sẽ ảnh hưởng tới các bộ phận khác của máy nén khí. Không những vậy, hàng ngày, công nhân phải mất 50 đến 60 phút dừng máy để tháo, vệ sinh và lắp ráp lõi lọc trở lại gây bị động trong quá trình vận hành máy.
Qua nghiên cứu điều kiện thực tế, tận dụng các vật tư sẵn có tại khu vực Tân Lập, tháng 1/2020, Phân xưởng Cơ điện đã tiến hành gia công, lắp đặt bổ sung màng lọc bụi thô phía trước lõi lọc không khí của máy nén khí LS-160. Màng lọc kiểu túi, cấu tạo bằng vải mịn, được may định hình cho phù hợp phủ phía bên ngoài lõi lưới kim loại (tận dụng từ lõi tách dầu máy nén khí LS-160), đảm bảo chắc chắn và lọc được các hạt bụi thô trong không khí.
Sau mỗi ca làm việc, công nhân vận hành tháo màng lọc bẩn và thay bằng màng lọc sạch, sau đó đem màng lọc bẩn đi giặt, tái phục vụ các lần thay tiếp theo. Từ khi áp dụng sáng kiến này đã giúp phân xưởng tiết kiệm chi phí sửa chữa thường xuyên máy nén khí LS-160; nâng cao hiệu suất làm việc, nâng cao tuổi thọ của máy móc thiết bị; hạn chế gián đoạn trong công tác phục vụ khí nén. Sáng kiến này được Công ty Than Hạ Long đánh giá cao.
Trung bình mỗi năm, Phân xưởng Cơ điện khu vực Tân Lập có từ 7-10 sáng kiến ứng dụng khoa học kỹ thuật, hợp lý hóa trong sản xuất. Cùng với 2 sáng kiến trên, từ năm 2020 đến nay, phân xưởng có nhiều sáng kiến khác được áp dụng hiệu quả trong sản xuất, tiêu biểu như: Gia công, lắp hệ thống phun sương cho quạt gió công nghiệp tại nhà xưởng MB+17; cải tạo lắp biến tần điều khiển vận hành máy vắt V45, phục vụ vắt quần áo bảo hộ lao động cho công nhân làm việc trong hầm lò khu Tân Lập; gia công cửa chắn kiểu lắp ghép bịt công tràn hồ môi trường; lắp đặt hệ thống rửa ủng...
Những sáng kiến của Phân xưởng Cơ điện đã và đang đóng góp quan trọng giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ Công ty giao, qua đó cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất và thu nhập cho người lao động.
Tác giả: Trịnh Tuấn Anh, Theo Phạm Tăng