Thứ ba, 19/03/2024, 01:42
Thời tiết Cẩm Phả, Quảng Ninh: 18.9°c mây đen u ám

Giới thiệu chung

 
Công ty Than Hạ Long - TKV tiền thân là Liên hiệp than Quảng Ninh được thành lập ngày 08/01/1988. Trên chặng đường 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển đến nay ( Ngày 08/01/2018), Công ty than Hạ Long đã trải qua hai giai đoạn chính, bao gồm:
1. Giai đoạn từ năm 1988 đến năm 1994:
Ngày 08/01/1988 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có quyết định 07/QĐ-UB thành lập Liên hiệp than Quảng Ninh bao gồm có 2 đơn vị trực thuộc là: Xí nghiệp than Cẩm phả và mỏ than Suối Lại với nhiệm vụ khai thác các vùng tài nguyên nhỏ lẻ, nằm phân tán có trữ lượng tài nguyên không lớn. Để đáp ứng cho việc tăng sản lượng than và phát triển, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh ký quyết định số 179/TCCB ngày 02/4/1988 thành lập Mỏ than Hà Ráng và quyết định số 567/QĐ-UB, ngày 15/9/1988 thành lập Cảng Sa Tô sau này đổi tên thành Xí nghiệp chế biến và kinh doanh than.
Trong những ngày đầu mới thành lập do cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, tiền vốn còn hạn chế, công nhân và cán bộ kỹ thuật còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, chưa có nhiều kinh nghiệm. Khai thác than ở thời điểm này mang tính chất tận thu lộ vỉa với quy mô nhỏ, sản lượng than khai thác từ năm 1988 đến 1991 đạt bình quân 150 nghìn ÷ 200 nghìn tấn/năm.
Ngày 26/9/1992 UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký quyết định số 2265/QĐ-UB V/v chuyển đổi Liên hiệp than Quảng Ninh thành Công ty than Quảng Ninh. Trong thời kỳ từ năm 1992 đến năm 1995 sản lượng than khai thác đạt 300 nghìn tấn/năm tăng 1,5 lần so với giai đoạn năm 1988 đến 1991. Trong giai đoạn này lãnh đạo Công ty xác định mục tiêu trọng tâm là vừa đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để đẩy nhanh sản lượng than khai thác vừa tập trung nghiên cứu mở rộng thị trường tiêu thụ than ở trong nước và xuất khẩu than ra thị trường thế giới. Với phương châm đó, Công ty đã xuất khẩu các loại than cục 4, cục 5, cám 3, cám 4 sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Cu Ba, Châu Âu vv... và khai thác các thị trường than trong nước nên doanh thu và lợi nhuận của Công ty luôn ở mức cao và có điều kiện tái đầu tư cho sản xuất kinh doanh.  
Thực hiện quyết định số 381/QĐ-TTg ngày 27/7/1994 và chỉ thị 382/CT-TTg ngày 28/7/1994 của Thủ tướng Chính Phủ về việc sắp xếp tổ chức và lập lại trật tự trong khai thác và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ngày 4/11/1994 UBND tỉnh Quảng Ninh ký quyết định số 2186/QĐ-UB bổ sung 2 Xí nghiệp thuộc huyện trước đây là Đông triều và Hoành Bồ vào Công ty than Quảng Ninh. Tại thời điểm đó Công ty than Quảng Ninh có 07 xí nghiệp thực hiện nhiệm vụ khai thác  và kinh doanh than.
2. Giai đoạn từ năm 1995 đến nay:
Ngày 1/1/1995 Công ty chuyển về trực thuộc Tổng Công ty than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) theo quyết định số 1721/QĐ-UB của UBND tỉnh Quảng Ninh và hoạt động với mô hình Công ty hai cấp.
Công ty đã khoan thăm dò nâng cấp, đánh giá lại các vùng tài nguyên hiện có, lập dự án đầu tư khai thác mỏ và nhiều mỏ mới được thành lập: Xí nghiệp than Thành Công, thành lập ngày 1/4/1997; Xí nghiệp than Tây Bắc Đá Mài, thành lập ngày 8/4/1998. Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, tháng 10 năm 1999 Công ty đã cổ phần hóa XN than Cẩm Phả và đổi tên thành Cty CP than Tây Nam Đá Mài và hoạt động rất hiệu quả. Đến tháng 7 năm 2003 Công ty CP than Tây Nam Đá Mài đã tách khỏi Công ty và Tập đoàn trực tiếp quản lý.
Năm 2003 Tổng công ty than Việt Nam đã quyết định đổi tên Công ty than Quảng Ninh thành Công ty than Hạ Long kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2003. Việc sắp xếp lại các đơn vị đã tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, cán bộ công nhân viên đều có công việc, thu nhập ổn định, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Sản lượng than nguyên khai của Công ty đã có bước tăng trưởng mạnh từ 760 nghìn tấn năm 2003 lên 1,1 triệu tấn năm 2004 và lên 2,1 triệu tấn năm 2007 đưa Công ty trở thành một trong những Công ty hàng đầu của Tập đoàn TKV về khai thác than hầm lò.
Năm 2008 thực hiện chủ trương của Tập đoàn Công ty đã sắp xếp lại các khu vực sản xuất và Công ty đã bàn giao một số xí nghiệp cho các đơn vị trong Tập đoàn: Xí nghiệp Dịch vụ - Kinh doanh than bàn giao về Công ty Kho vận Hòn Gai, Xí nghiệp than Thành Công về Công ty than Hòn Gai; Xí nghiệp than Hoành Bồ bàn giao cho Công ty than Uông Bí. Công ty nhận  Xí nghiệp than Tân Lập do Công ty than Hòn Gai bàn giao. Tại thời điểm này Công ty còn 04 xí nghiệp khai thác than thuộc địa bàn thành phố Cẩm Phả là: Hà Ráng, Khe Tam, Cẩm Thành và Tân Lập.
Năm 2013 thực hiện quyết định 314/QĐ-TTg ngày 07/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Ngày 18/12/2013 Tập đoàn TKV đã ban hành Quyết định số 2369/QĐ-VINACOMIN, theo đó chuyển đổi Công ty thành mô hình quản lý một cấp và chuyển về là chi nhánh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
*Với những kết quả và thành tích đạt được liên tục trong nhiều năm, năm 1998 Công ty than Quảng Ninh đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Năm 2010 Công ty được Nhà nước trao tặng danh hiệu Huân chương lao động hạng nhì.
Nhìn lại giai đoạn đầu, năm 1991 sản lượng than đạt 200 nghìn tấn, Sau 16 năm (2007) sản lượng đạt 2,1 triệu tấn chỉ số này tăng 10,5 lần. Từ năm 2013 đến nay Công ty duy trì ổn định sản lượng 1,7 đến 1,8 triệu tấn/năm. Sau 30 năm xây dựng và phát triển Công ty đã sản xuất tổng số là 31,9 triệu tấn than; tổng doanh thu là 22,3 nghìn tỷ đồng; tổng số lợi nhuận 429 tỷ đồng; tổng số nộp ngân sách Nhà nước là:  2 ngàn 359 tỷ đồng.

* Một số kết quả Công ty than Hạ Long đã đạt được trong thời gian qua:
1. Xây dựng hệ thống chính trị:
Đảng bộ Công ty than Hạ Long được thành lập ngày 02/10/1996 (sau hơn 8 năm các đảng viên của Công ty sinh hoạt tại các địa phương) đã đáp ứng yêu cầu lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể trong Công ty; đồng thời đáp ứng được mong đợi của cán bộ, đảng viên trong toàn Công ty. Với cơ cấu ban đầu có 7 chi bộ trực thuộc với tổng số 240 đảng viên. Đến nay qua hơn 21 năm xây dựng, trưởng thành, xuyên suốt cùng với sự phát triển của Công ty, quy mô tổ chức của Đảng bộ Công ty cũng luôn có sự phát triển lớn mạnh, có 50 chi bộ trực thuộc với trên 1.000 đảng viên, là một trong những đảng bộ lớn của Đảng bộ Than Quảng Ninh.
Công đoàn Công ty than Hạ Long được thành lập ngày 28/7/1988, ra đời cùng với sự hình thành Công ty nên mọi hoạt động của tổ chức Công đoàn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động. Từ khi thành lập đến nay, Công đoàn trải qua nhiều giai đoàn thay đổi cùng doanh nghiệp. Giai đoạn từ 31/7/2007 đến 30/9/2013 Công đoàn hoạt động theo mô hình 4 cấp với 5.082 đoàn viên, 07 công đoàn cơ sở trực thuộc, 58 công đoàn bộ phận và 342 tổ công đoàn. Đến nay Công đoàn có 4.886 đoàn viên với 50 công đoàn bộ phận và 188 tổ công đoàn. Với những thành thích đã đạt được, năm 2014 Công đoàn Công ty vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động Hạng ba.
Đoàn Thanh niên Công ty than Hạ Long được thành lập ngày 15/5/1997 mang trọng trách nâng cao sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác thanh niên, đồng thời tập hợp, bồi dưỡng, rèn luyện, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Với cơ cấu ban đầu chỉ có 02 đoàn cơ sở và 07 chi đoàn trực thuộc với gần 400 cán bộ đoàn viên thanh niên, đến nay Đoàn Thanh niên Công ty có tổng số 40 chi đoàn trực thuộc với 1.538 đoàn viên thanh niên, chiếm trên 36% tổng số lao động toàn Công ty. Với những thành tích đã đạt được, năm 2013 Đoàn Thanh niên Công ty vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng huân chương lao động Hạng ba.
Hội Cựu chiến binh Công ty than Hạ Long được thành lập ngày 30/10/2013 gồm 7 chi hội trực thuộc và 180 hội viên. Hội Cựu chiến binh luôn gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phong trào tự quản. Phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” tích cực tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ quan đơn vị, tham gia lao động sản xuất góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, của Công ty.
Trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Công ty, hệ thống chính trị đã được hình thành và không ngừng lớn mạnh. Đảng ủy Công ty đã lãnh đạo, chỉ đạo và cùng với tác tổ chức chính trị khác đồng hành với hệ thống chuyên môn để thành một thể thống nhất, góp phần xây dựng một than Hạ Long ngày càng phát triển.
2. Quản trị tài nguyên, quản lý kỹ thuật cơ bản:
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2017 các khu mỏ đã được khoan thăm dò nâng cấp trữ lượng tài nguyên để phục vụ khai thác với số lượng 430 lỗ khoan, tổng chiều dài 263.625m khoan, giá trị đầu tư là 1.120 tỷ đồng, từ đó đã nâng mức độ tin cập về tài nguyên cấp 122 (C1) đạt trên 75% đối với các khu vực đã được cấp phép khai thác. Tổng trữ lượng công nghiệp của các khu mỏ tính đến thời  điểm 31/12/2017 là: 117,7 triệu tấn (khu Hà Ráng: 24,2 triệu tấn; khu Tân Lập: 10,9 triệu tấn; khu Khe Chàm: 82,6 triệu tấn).
Công ty thực hiện tốt công tác quản lý về tọa độ ranh giới mỏ trên hệ thống bản đồ số, phối kết hợp với các cơ quan Nhà nước, các đơn vị giáp ranh giới, xây dựng ranh giới phân chia, bảo vệ tài nguyên, trữ lượng than; thống kê, tính toán trữ lượng than có trong ranh giới được giao quản lý và lập kế hoạch khai thác hợp lý. Giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác than hầm lò giảm từ 29% xuống 23% .
Quản lý chặt chẽ các chỉ tiêu công nghệ, định mức kỹ thuật: Từ khâu lập kế hoạch đến nghiệm thu và có giải pháp tối ưu các chỉ tiêu công nghệ, thông số kỹ thuật để phát huy năng suất, công suất thiết bị, giảm tối đa khối lượng phát sinh ngoài kế hoạch.
Sử dụng năng lượng điện tiết kiệm và hiệu quả từ các khâu tổ chức sản xuất hợp lý và sử dụng các thiết bị mới tiết kiệm năng lượng như biến tần, khởi động mềm; thay thế dần máng cào bằng băng tải; sử dụng đèn compac thay cho bóng đèn tròn phục vụ chiếu sáng.
3.  Áp dụng công nghệ khai thác than, sàng tuyển và vận chuyển than:
Công ty đã sử dụng các công nghệ phù hợp với điều kiện địa chất mỏ như: Giá khung thủy lực di động, giá XDY, cột thủy lực đơn để thay thế công nghệ chống lò chợ gỗ; giàn mềm ZRY để khai thác các vỉa dốc thay thế cho công nghệ ngang nghiêng buồng thượng. Trong 5 năm gần đây tỷ trọng than khai thác của công nghệ giá thủy lực chiếm khoảng 80% tổng sản lượng than khai thác.
Áp dụng máy đào lò Combai AM50Z, máy xúc lật hông, máy cào vơ, máy xúc lật sau vào phục vụ đào lò. Chủ động áp dụng các loại vì neo, bê tông cốt thép, neo dẻo cốt thép, bê tông phun vào chống giữ các đường lò đá, lò than có điều kiện áp dụng thay cho vì chống thép;
Đẩy mạnh cơ giới hóa khâu xúc bốc, vận tải mỏ bằng băng tải thay thế cho vận tải bằng máng cào; Đặc biệt đã sử dụng thiết bị tời vận chuyển vật tư, vật liệu cho lò chợ và các gương đào lò thượng, lắp đặt tời chở người, tời hỗ trợ người đi bộ... làm cho công tác đi lại của người lao động từng bước được cải thiện, tăng thời gian hữu ích làm việc của người lao động.
Các khâu thông gió và kiểm soát khí mỏ đã được tự động hóa bằng hệ thống kiểm soát khí mỏ tập trung...
Bên cạnh đó, Công ty còn xây dựng các phương án điều hành, tách lọc đất đá quá cỡ trong điều kiện hệ thống vận tải than liên tục từ băng tải vào sàng. Đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đảm bảo được chất lượng than theo nhu cầu thị trường, tăng hệ số thu hồi than, giảm chi phí vận chuyển than, đất đá thải. Độ tro than nguyên khai từ năm 2013 đến nay giảm từ 42,81% xuống 41,30% (giảm 1,5% độ tro).
4. Thực hiện các dự án mỏ:
 Hoàn thành công tác thực hiện đầu tư các dự án khai thác hầm lò; các dự án do Công ty triển khai đều đạt công suất thiết kế đáp ứng nhu cầu sản xuất: Dự án đầu tư khai thác lò giếng mức -100 đến lộ vỉa khu Hà Ráng đạt công suất thiết kế 600 nghìn tấn/năm vào năm 2015; dự án đầu tư khai thác mỏ Bắc Cọc Sáu đạt công suất thiết kế 700 nghìn tấn/năm vào năm 2017. Các dự án đầu tư  thiết bị duy trì sản xuất hàng năm được Công ty chủ động cân đối rà soát để sử dụng lại tối đa thiết bị hiện có của Công ty giảm giá trị đầu tư duy trì sản xuất.
Triển khai thực hiện dự án Đầu tư khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV đáp ứng tiến độ theo thiết kế được duyệt. Lò chợ XDCB đầu tiên của dự án ra than vào quý I/2018 và dự án đạt công suất thiết kế 3,5 triệu tấn vào năm 2023 sớm hơn 01 năm so với thiết kế được duyệt.
5. Công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo:
Thực sự chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Có cơ chế chính sách hợp lý trong đào tạo, chăm lo đời sống người lao động, phát huy cao độ tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm” đây chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến mọi thắng lợi của Công ty trong suốt hành trình 30 năm. Cùng với với việc xây dựng quy hoạch cán bộ trong toàn Công ty, luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị, tạo điều kiện cho cán bộ rèn luyện và phát triển. Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ nghiệp vụ, công nhân kỹ thuật đảm bảo trình độ chuyên môn. Mục tiêu: Công nhân làm chủ công nghệ, cán bộ có kỹ năng nghiệp vụ cao, tự chủ trong công việc, nâng cao khả năng làm việc độc lập của các chuyên viên quản lý;
Trong những năm qua nhiều thế hệ cán bộ của Công ty than Hạ Long đã trưởng thành và giữ các chức vụ quan trọng của Tập đoàn TKV, của tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị bạn trong TKV. Đây là niềm tự hào và là tấm gương cho CBCNV Công ty học tập và rèn luyện.
Sớm triển khai đề án tái cơ cấu từ đó hoàn thiện, đổi mới mô hình tổ chức và quản trị doanh nghiệp phù hợp với mô hình chung của Tập đoàn, trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017 Công ty đã giảm 330 cán bộ quản lý; Phục vụ phụ trợ giảm 263 người, các đầu mối giảm từ 71 xuống còn 51 (giảm 20 đầu mối). Hiện tại Công ty có 4.020 người, trong đó công nhân trực tiếp 2.701 người, quản lý 436 người, phụ trợ phục vụ 883 người. Trong đó có 1.043 kỹ sư đại học và 750 cao đẳng.
6. Công tác chăm lo đời sống cho người lao động:
Với phương châm “Làm thế nào để người lao động ngày càng gắn bó với Công ty”. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ chế độ theo đúng quy định, duy trì tốt chế độ tắm nước nóng, giặt quần áo, ủng BHLĐ cho công nhân, thực hiện nghiêm túc chế độ điều dưỡng phục hồi chức năng, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, rửa bụi phổi và khám sức khỏe định kỳ theo quy định,... Công ty than Hạ Long đã đầu tư xây dựng khu chung cư công nhân tại phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm phả với 04 lô nhà 5 tầng đáp ứng nhu cần ăn, ở, đi lại cho 1.100 người lao động.
Nhìn lại hành trình 30 năm đã qua với rất nhiều gian nan, vất vả thăng trầm nhưng các thế hệ thợ mỏ Công ty than Hạ Long hôm nay có thể tự hào về những thành tích đã đạt được và đóng góp của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa của TKV.
Định hướng phát triển của Công ty giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 và những năm tiếp theo, cụ thể:
Mục tiêu là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực Công ty, đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, mô hình quản trị phù hợp; đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư XDCB; tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động,… vì mục tiêu “An toàn - Hiệu quả - Ổn định - Phát triển”.
Trong lộ trình phát triển của Công ty từ năm 2018 đến 2020 và sau năm 2020 sản lượng than khai thác hàng năm như sau: Năm 2018 đạt 1,65 triệu tấn; năm 2019 đạt 1,7 triệu tấn; năm 2020 đạt 2,0 triệu tấn; năm 2021 là 2,2 triệu tấn; năm 2022 là 2,5 triệu tấn; giai đoạn sau năm 2023 là 4,0 triệu tấn (Trong đó: dự án đầu tư khai thác mỏ hầm lò Khe Chàm II-IV là 3,5 triệu tấn và dự án đầu tư khai thác mỏ Bắc Cọc Sáu tầng duy trì sản xuất 0,5 triệu tấn).

* Để thực hiện các mục tiêu nêu trên Công ty tập trung thực hiện những giải pháp trọng tâm sau:
1. Về xây dựng hệ thống chính trị:
- Với phương châm “Xây dựng Đảng là then chốt, nhiệm vụ sản xuất là trung tâm”, Đảng ủy Công ty tiếp tục lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt  để xây dựng hệ thống chính trị ngày càng lớn mạnh, đoàn kết, thống nhất, đồng thuận tạo nên sức mạnh xây dựng Công ty Than Hạ Long – TKV phát triển bền vững.
2. Giải pháp về đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, sàng tuyển chế biến than:
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ khai thác than với mục tiêu hoàn thành cao nhất sản lượng kế hoạch được Tập đoàn giao, đảm bảo an toàn, giảm tổn thất tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh việc thăm dò nâng cấp và gia tăng trữ lượng than trong ranh giới khai trường được giao quản lý, khai thác.
- Tiếp tục đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm tăng năng suất, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao mức độ an toàn, tiết kiệm tài nguyên: Áp dụng cơ giới hoá đồng bộ khai thác than vào các khu vực có điều kiện phù hợp tại khu Khe Chàm I. Tỷ lệ than khai thác cơ giới hóa đồng bộ phấn đấu: Năm 2019 đạt 10% (170 nghìn tấn); Năm 2020 đạt 20% (400 nghìn tấn); Giai đoạn sau năm 2022 đạt 35% (1,6 triệu tấn).
- Đào lò bằng thiết bị CGH theo hướng áp dụng máy đào lò Com bai kết hợp với các loại vì neo dẻo cốt thép tại các đường lò tại các đường lò vỉa 11 khu Khe Chàm I. Tiếp tục triển khai đào chống lò bằng vì neo chất dẻo cốt thép tại các đường lò có điều kiện áp dụng phù hợp để tăng năng suất và giảm giá thành đào lò. Tỷ lệ mét lò chống neo phấn đấu: Năm 2018 đạt 10% (2.500m); Năm 2019 đạt 15% (3.500m); Từ năm 2020 đạt 20% (5.000m). Tỷ lệ mét lò đào bằng máy combai phấn đấu: đạt 8% mỗi năm (2.000 mét).
- Cải thiện điều kiện đi lại làm việc trong hầm lò, rút ngắn cung độ đi bộ (tối đa đến 800m) bằng việc: Mở rộng phạm vi hoạt động của song loan hiện có, đầu tư các hệ thống vận tải Monoray, toa xe chở người, tời hỗ trợ người đi bộ cho các lò dốc; tời dạng MĐK tại các tuyến vận tải cố định để vận chuyển người.
- Đẩy mạnh công tác tự động hóa điều khiển tập trung các hệ thống vận tải, tự động hóa các hầm bơm, hệ thống thông tin liên lạc cảnh bảo khí mê tan, hệ thống kiểm soát người ra vào lò vì mục tiêu “mỏ hiện đại - mỏ an toàn - mỏ ít người”.
- Bám sát kế hoạch phẩm cấp hàng năm để điều hành cho phù hợp; tổ chức phân nguồn than để chế biến hòa trộn hợp lý; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, tách đá, tạp chất và nước trong hầm lò để giảm chi phí vận tải, sàng tuyển, nâng cao chất lượng than thương phẩm.
- Sớm triển khai hệ thống thiết bị sàng tuyển tại khu mỏ Hà Ráng để chủ động trong công tác sàng tuyển chế biến và tiêu thụ than, giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác than hầm lò từ 27% xuống 23%.
3. Giải pháp về công tác đầu tư:
- Tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho việc thực hiện dự án “Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm II-IV” đẩy nhanh tiến độ thi công đào lò khoanh vùng các lò chợ XDCB khu Khe Chàm I đảm bảo quý IV năm 2018 đưa 4/4 lò chợ vào hoạt động. Đường găng chính của dự án là mũi thi công đường lò xuyên vỉa mức -350 nối thông với mũi thi công từ giếng gió +120 đến -160 phấn đấu hoàn thành quý IV năm 2019. Thực hiện thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị tời trục giếng đứng phụ hoàn thành vào năm 2020; giếng đứng chính năm 2021; xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất theo tiến độ thực hiện dự án. Với mục tiêu tiến độ dự án đạt công suất thiết kế 3,5 triệu tấn/năm vào năm 2023 (sớm hơn 01 năm so với thiết kế được duyệt). Đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đưa thiết bị cơ giới hóa đồng bộ khai thác các lò chợ duy trì tại khu Khe Chàm I hoàn thành trong năm 2018.
- Chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà chung cư tập thể cán bộ công nhân tại phường Quang Hanh hoàn thành trong quý III/2018 (quy mô 750 người) để tạo sự gắn bó lâu dài của người lao động đối với Công ty.
4. Giải pháp về công tác quản trị chi phí, lao động, tiền lương và điều hành sản xuất:
- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ theo hướng phải tiến bộ, đặc biệt là các chỉ tiêu chất lượng than, mét lò đá, mét lò xén và tỷ lệ tổn thất than;
- Tiếp tục rà soát xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật cho từng loại thiết bị để làm cơ sở cho việc quản lý thời gian hoạt động cũng như việc quản lý chi phí một cách hiệu quả.
- Quản lý chặt chẽ chất lượng, giá cả vật tư, phụ tùng đầu vào, quản lý sử dụng có hiệu quả vật tư thu hồi.
- Quản lý tốt chất lượng than, phấn đấu thực hiện giảm 1% độ tro than nguyên khai để tăng 3% doanh thu.
- Hoàn thiện quy định khoán quỹ lương văn phòng, bộ phận phục vụ phụ trợ để đảm bảo tỷ trọng tiền lương theo kế hoạch. Xây dựng quy chế tiền lương, tiền thưởng phù hợp.
- Kiểm tra rà soát việc bố trí lại lao động của các phòng ban Công ty trên tinh thần chỉ đạo của Tập đoàn đảm bảo tỷ lệ cơ cấu lao động phù hợp giữa các bộ phận trực tiếp, gián tiếp và phục vụ phụ trợ. Tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017- 2020 với mục tiêu: giảm từ 3% đến 4% biên chế ở khu vực gián tiếp và phục vụ, phụ trợ theo đúng kế hoạch Tập đoàn giao;
5. Giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo:
- Tổ chức đào tạo cho cán bộ chỉ huy sản xuất kỹ năng chỉ huy, tâm lý quản lý để nâng cao hiệu quả trong quá trình tổ chức, chỉ huy sản xuất;
- Tiếp tục rà soát các văn bản pháp quy trong nội bộ Công ty để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; Tổ chức rà soát để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ các Phòng ban, Phân xưởng trong Công ty để phù hợp với quy trình công nghệ, tổ chức sản xuất của Công ty. Từ đó tiếp tục hoàn thiện, đổi mới mô hình tổ chức và quản trị doanh nghiệp cho phù hợp với mô hình chung của Tập đoàn và tình hình phát triển mới; Triển khai phân cấp quản lý kỹ thuật, quản trị chi phí, phân cấp trong công tác quản trị tài nguyên bảo vệ trật tự an ninh trong ranh giới Mỏ;
6. Giải pháp về công tác chăm lo đời sống:
- Chú trọng các biện pháp cải thiện điều kiện đi lại, làm việc, điều kiện an toàn trong lò;
- Đảm bảo về chế độ ăn định lượng, ăn ca, bồi dưỡng độc hại...với tinh thần chi tối đa theo quy chế của Tập đoàn. Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ tại các nhà ăn tập thể, chất lượng phục vụ tắm giặt sau ca lao động với tình cảm và tinh thần cao nhất dành cho thợ lò. Duy trì việc khám sức khoẻ định kỳ, tổ chức chăm sóc khám chữa bệnh cấp thuốc cho người lao động một cách tích cực và hiệu quả nhất.
- Duy trì các hoạt động trong khu tập thể công nhân mỏ, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho CBCNV. Các hoạt động văn hoá thể thao phải được duy trì và tổ chức tốt, tạo khí thế vui tươi lành mạnh trong người lao động, xây dựng các sân chơi và trang cấp đầy đủ dụng cụ thể thao cho các khu tập thể.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Công ty ( 08/01/1988 -08/01/2018), thay mặt cho công nhân, cán bộ toàn Công ty, Giám đốc Công ty Than Hạ Long cảm ơn sự quan tâm sâu sắc, giúp đỡ ân tình của các đồng chí lãnh  đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo thành phố Cẩm Phả, các cấp chính quyền địa phương; các đồng chí lãnh đạo Tập đoàn CN than khoáng sản Việt Nam; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Công ty than Hạ Long qua các thời kỳ; các ngân hàng thương mại tại Quảng Ninh, các đơn vị bạn, các đối tác trong nước, ngoài nước và các Quý vị đại biểu đối với sự nghiệp phát triển của Công ty than Hạ Long trong 30 năm qua.
Tập thể cán bộ công nhân viên Công ty ghi nhận và vô cùng biết ơn các thế hệ lãnh đạo, các công nhân, cán bộ đã đóng góp sức lực, trí tuệ của mình xây dựng nên vị thế, thương hiệu và diện mạo của Công ty than Hạ Long ngày hôm nay. Tập thể công nhân, cán bộ Công ty mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Quý vị và các Đồng chí để Công ty than Hạ Long tiếp tục phát triển bền vững.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây